LUẬT PHÚ QUÝ

HOTLINE

TP. HÀ NỘI : 0903.14.8668
TP. HỒ CHÍ MINH : 0903.14.8668

BỒI THƯỜNG CHI PHÍ LUẬT SƯ

  • Ngày đăng: 22/04/2024
  • Cập nhật: 22/04/2024
  • 3241

BỒI THƯỜNG CHI PHÍ LUẬT SƯ

Trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, những tranh chấp phát sinh ngày càng phức tạp, kéo dài đang ngày càng phổ biến, yêu cầu đến sự có mặt của Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền hoặc Trọng tài thương mại. Một vấn đề lớn mà các bên quan tâm khi thuê luật sư là chi phí luật sư: chi phí này không hề nhỏ, phụ thuộc vào nội dung, tính chất, độ phức tạp của tranh chấp, thời gian và công sức luật sư bỏ ra cũng như kinh nghiệm và uy tín của Luật sư theo quy định tại Điều 55 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012 về Căn cứ và phương thức tính thù lao. Vậy theo quy định pháp luật, chi phí trên có phải là thiệt hại có thể bồi thường hay không khi vào thời điểm ký kết Hợp đồng dịch vụ pháp lý, bên thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình xác định đấy là chi phí cần thiết, hợp lý.          

1. Quy định pháp luật về chi phí Luật sư

Theo quy định tại Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015 về Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

Theo khoản 2 Điều 419 Bộ luật dân sự năm 2015 về Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại với lợi ích lẽ ra họ được hưởng từ hợp đồng, chi phí phát sinh do người vi phạm hợp đồng không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích hợp đồng mang lại.

Theo quy định tại Điều 303 Luật thương mại năm 2005 về Bồi thường thiệt hại, Bồi thường thiệt hại là việc bên có hành vi vi phạm hợp đồng bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Căn cứ theo những quy định trên, thiệt hại có thể được bồi thường bao gồm:

- Thiệt hại thực tế, trực tiếp, xác định được mà bên bị vi phạm Hợp đồng phải chịu;

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại;

- Khoản lợi trực tiếp (thu nhập) mà bên bị vi phạm đáng nhẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Hiện tại, Bộ luật dân sự, Luật thương mại không hề quy định về chi phí thuê luật sư là khoản bồi thường thiệt hại. Chỉ duy nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 thì chi phí Luật sư được quy định rõ tại Điều 198 về Quyền tự bảo vệ như sau:

“4. Tổ chức, cá nhân là bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu được Tòa án kết luận là không thực hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án buộc nguyên đơn thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư hoặc các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên lạm dụng thủ tục đó phải bồi thường cho những thiệt hại do việc lạm dụng gây ra, trong đó bao gồm chi phí hợp lý để thuê luật sư. Hành vi lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm hành vi cố ý vượt quá phạm vi hoặc mục tiêu của thủ tục này.”

Ngoài ra, Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 cũng quy định về Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

“3. Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.”

Chi phí hợp lý để thuê Luật sư được xác định tại Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/04/2008 của Toà Án Nhân Dân Tối Cao-Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao-Bộ Văn Hoá, Thể Thao Và Du Lịch-Bộ Khoa Học Và Công Nghệ-Bộ Tư Pháp, theo đó, mục 2.4 xác định chi phí hợp lý để thuê luật sư trong tranh chấp sở hữu trí tuệ là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc; kỹ năng, trình độ của luật sư và lượng thời gian cần thiết để nghiên cứu vụ việc. Mức chi phí bao gồm mức thù lao luật sư và chi phí đi lại, lưu trú cho luật sư. Mức thù lao do luật sư thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ và phương thức tính thù lao quy định tại Điều 55 của Luật Luật sư.

+ Dựa theo các quy định trên, tại Bản án sơ thẩm số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/04/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về vụ án “Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ”[1], được tổ chức lấy ý kiến góp ý tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với 14 dự thảo án lệ thuộc các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, hành chính ngày 26/05/2022 của Tòa án nhân dân tối cao[2], Tòa án đã không chấp nhận toàn bộ yêu cầu về phí Luật sư của nguyên đơn mà chỉ chấp nhận một phần về chi phí hợp lý để thuê luật sư tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trong quá trình tố tụng; không chấp nhận chi phí thuê luật sư đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn nộp đơn khởi kiện và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn tham gia tố tụng tại Tòa án.

Ngoài những quy định trên, pháp luật Việt Nam không có quy định nào thể hiện rõ chi phí Luật sư là thiệt hại có thể bồi thường.

2. Quan điểm về mối quan hệ giữa chi phí luật sư và bồi thường thiệt hại

Hiện nay, quan điểm xét xử của một số Tòa án là xác định yêu cầu khởi kiện về thanh toán chi phí Luật sư là một yêu cầu bồi thường thiệt hại.

+ Theo nhận định tại Bản án số 12/2022/KDTM-PT ngày 13/03/2023 về tranh chấp Hợp đồng thuê nhà xưởng của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương[3]:

“[7] Đối với yêu cầu trả tiền chi phí thuê Luật sư khởi kiện tại Tòa án số tiền 34.100.000 đồng, nhận thấy: Theo Điều 301 của Luật Thương mại năm 2005 quy định “Bồi thường thiệt hại là việc mà bên gây ra thiệt hại, vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng phải bồi thường những tổn thất, thiệt hại cho bên bị vi phạm”; theo khoản 2 Điều 168 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “Chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của tổ chức hành nghề luật sư và theo quy định của pháp luật”. Theo như đã nêu tại mục [6] thì không có căn cứ xác định bị đơn đã có hành vi làm hư hỏng nhà xưởng và gây ra thiệt hại cho nguyên đơn nên việc nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền phí thuê luật sư là không có cơ sở để chấp nhận

            * Góc nhìn của trọng tài thương mại:

            Theo quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại 2010 về Nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài, phán quyết trọng tài bao gồm việc Phân bổ chi phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan. Theo quy định này, trọng tài thương mại có quyền phân bổ các chi phí khác liên quan, bao gồm cả chi phí luật sư. Quy định này cũng được các trung tâm trọng tài quốc tế tại Việt Nam ghi nhận, theo Điều 36 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Viac) hay Điều 36 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (Mcac).

            Khác với Tòa án xác định yêu cầu hoàn trả chi phí Luật sư là một yêu cầu bồi thường thiệt hại, Trọng tài thương mại thường xác định chi phí luật sư là chi phí tố tụng trọng tài/chi phí pháp lý để chấp nhận cho bên có yêu cầu một cách hợp lý. Việc này dẫn tới khả năng cao Hội đồng trọng tài sẽ chấp nhận yêu cầu thanh toán phí luật sư khi tham gia tranh chấp tại trọng tài thương mại.[4]

            + Tại quyết định số 1513/2022/QĐ-PQTT ngày 19/09/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc hủy phán quyết trọng tài, Tòa án đã nhận định như sau về việc quyết định phí luật sư của Viac: [5]

            “[4.4] Xét, Công ty Cổ phần S cho rằng Phán quyết trọng tài buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn phí Luật sư là 440.000.000 đồng là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể vi phạm khoản 1 Điều 9 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo quy định tại Điều 36 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam: Hội đồng Trọng tài có quyền quyết định một bên phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý hoặc chi phí hợp lý khác của bên kia. Mặt khác, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài Thương mại: “Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam. Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án phải xác định được phán quyết trọng tài có vi phạm một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật và nguyên tắc đó có liên quan đến việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài. Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba. Như vậy, ý kiến này của Công ty Cổ phần S không có căn cứ để chấp nhận.”

Lập luận trên xác định việc trọng tài thương mại có quyền ghi nhận phí luật sư để buộc một bên thanh toán cho bên còn lại như là một chi phí pháp lý/chi phí hợp lý; việc ghi nhận và yêu cầu thanh toán phí luật sư không hề trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

            3. Quan điểm về yêu cầu thanh toán phí Luật sư tại Tòa án

            Có 2 quan điểm bảo vệ, phản bác của Luật sư với yêu cầu bồi thường thiệt hại chi phí luật sư:

            * Quan điểm thứ nhất: Căn cứ vào quy định tại khoản 13 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình để không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại chi phí luật sư của đương sự. Theo đó, đương sự có quyền chứ không có nghĩa vụ phải thuê luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Mọi chi phí giữa luật sư và đương sự đều do hai bên thỏa thuận, không phải là thiệt hại trực tiếp, thực tế phát sinh từ hành vi vi phạm của bên bị yêu cầu thanh toán chi phí luật sư tại Tòa án. Đây không phải khoản phí bắt buộc, hiển nhiên khi tham gia tố tụng tại Tòa án; Tòa án vẫn có thể nhận định một cách khách quan, chính xác, đúng bản chất vụ án dù cho các bên có thuê luật sư hay không. Tòa án thường lập luận theo căn cứ này để không chấp nhận yêu cầu của đương sự về bồi thường chi phí luật sư.

            + Tại bản án số 345/2023/DS-PT ngày 24/07/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Tòa án không chấp nhận chi phí luật sư theo căn cứ: “Chi phí thuê luật sư: Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình là quyền, nghĩa vụ của đương sự. Chi phí thuê luật sư là nghĩa vụ của bên yêu cầu, không phải là khoản phí bắt buộc khi tham gia tố tụng.”[6]

            + Tại bản án 01/2022/LĐ-ST ngày 10/01/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương về Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo hiểm xã hội và công khai xin lỗi liên quan đến kỷ luật lao động, Tòa án đã đưa ra nhận định: “Hội đồng xét xử thấy rằng: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự thì “ Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử, được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. Mặt khác, theo quy định tại khoản 13 Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng tại Tòa án thì đương sự có quyền “Tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình” và đương sự khi khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Như vậy, việc ông T thuê Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là do ông T tự lựa chọn, kết quả giải quyết một vụ án do tòa quyết định, không phụ thuộc vào yếu tố đương sự có hay không có luật sư nên chi phí thuê luật sư không phải là chi phí hợp lý, bắt buộc mà bên thua kiện phải trả cho người thắng kiện…”  [7]

            + Theo nhận định tại bản án số 91/2022/KDTM-PT ngày 07/06/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về tranh chấp Hợp đồng thuê tài sản[8]:

“Về yêu cầu thuê luật sư: Phía nguyên đơn không xuất trình các tài liệu, chứng cứ về việc nguyên đơn thuê luật sư và Bộ luật dân sự 2015 không có quy định nguyên đơn được thanh toán chi phí luật sư trong trường hợp này nên không có cơ sở xem xét yêu cầu này của nguyên đơn”

Lập luận trên thể hiện, ngoài việc nguyên đơn không cung cấp đủ tài liệu, do pháp luật không có quy định rõ ràng trường hợp của nguyên đơn được thanh toán phí luật sư, Tòa án đã không có cơ sở để xem xét yêu cầu của nguyên đơn. Như đã phân tích ở mục 1, việc bồi thường chi phí Luật sư không được quy định tại các văn bản khác ngoài Luật sở hữu trí tuệ.

            * Quan điểm thứ hai: Về bản chất, chi phí luật sư trong một vụ kiện quyền sở hữu trí tuệ cũng được Tòa án xác định là một khoản bồi thường thiệt hại.

            + Tại bản án số 28/2019/KDTM-ST ngày 24/07/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận định[9]:

            “…hành vi của bị đơn là hành vi trái pháp luật do đó bị đơn có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn nếu có thiệt hại xảy ra.

            Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện, thì thiệt hại mà nguyên đơn phải chịu là 3.960.000 đồng tiền lập vi bằng theo Hợp đồng dịch vụ số 508/2018/HDDV.VB/TPLHĐ và 200.000.000 đồng tiền chi phí Luật sư theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý lập ngày 12/7/2018. Nguyên đơn đã xuất trình được các tài liệu chứng cứ chứng minh cho các thiệt hại thực tế trên (có giấy chuyển tiền qua ngân hàng từ nguyên đơn cho Công ty TNHH T&G). Tổng số tiền thiệt hại nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường tại phiên tòa sơ thẩm là 203.960.000 đồng, Hội đồng xét xử có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn.”

            Theo đúng những lập luận tại quan điểm thứ nhất, việc thuê luật sư không phải là việc đương sự bắt buộc thực hiện, tuy nhiên, pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng và pháp luật Việt Nam nói chung cũng đã thừa nhận tầm quan trọng của luật sư trong việc tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Thiệt hại về chi phí luật sư là một thiệt hại thực tế, bên yêu cầu có việc ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, có việc xuất hóa đơn của luật sư cũng như việc thanh toán thực tế của bên yêu cầu. Áp dụng tương tự pháp luật theo Điều 6 Bộ luật dân sự năm 2015 với các quy định về bồi thường thiệt hại chi phí luật sư trong tranh chấp sở hữu trí tuệ, đây là thiệt hại không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Tòa án cần xem xét, chấp nhận trong phạm vi yêu cầu hợp lý, hợp pháp:

            “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

            2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.”

            4. Kết luận

Việc chấp thuận yêu cầu bồi thường chi phí luật sư là vấn đề được rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm trước khi khởi kiện, trong bối cảnh nền kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý ngày càng tăng cao. Do vậy, việc quy định cụ thể, rõ ràng chi phí Luật sư được chấp nhận/không được chấp nhận trong những hoàn cảnh, tranh chấp nào cần được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự khi tham gia giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền cũng như vai trò của luật sư khi tham gia giải quyết tranh chấp. Việc chấp nhận nghĩa vụ bồi thường chi phí luật sư trong giải quyết tranh chấp sẽ giúp những bên yếu thế hơn trong quan hệ dân sự (như người lao động, người tiêu dùng,…) được tiếp cận với dịch vụ pháp lý của những luật sư hàng đầu; đồng thời, một yêu cầu khởi kiện hợp pháp, hợp lý xuất phát từ việc quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị xâm phạm, được Tòa án chấp nhận sẽ không gây thêm thiệt hại về chi phí pháp lý cho người khởi kiện.

Để đảm bảo nguyên tắc công bằng và phù hợp, những quy định bồi thường chi phí luật sư cũng cần được xem xét đến tính hợp lý, mức độ phức tạp của tranh chấp, cách thức tính thù lao luật sư theo quy định tại Luật luật sư cũng như các yếu tố khác của tranh chấp, tránh việc lạm dụng quyền khởi kiện, yêu cầu hoàn trả chi phí luật sư để đe dọa chủ thể khác trong xã hội.

 

LS. Quang

0903.14.8668

Văn phòng

0368.14.8668

Zalo

0903.14.8668

Email

luatphuquy@gmail.com

Tin tức nổi bật

BỒI THƯỜNG CHI PHÍ LUẬT SƯ

BỒI THƯỜNG CHI PHÍ LUẬT SƯ

BỒI THƯỜNG CHI PHÍ LUẬT SƯ Trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, những tranh chấp phát sinh ngày càng phức tạp, kéo dài đang ngày càng phổ biến, yêu cầu đến sự có mặt của Luật sư để bảo vệ quyền và...
Một số vấn đề pháp lý về đặt cọc

Một số vấn đề pháp lý về đặt cọc

Với ưu điểm là dễ dàng thực hiện, vừa có thể bảo đảm cho việc giao kết, vừa bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc cả hai, biện pháp đặt cọc được sử dụng phổ biến trong các giao dịch dân sự hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn xét...
Rút kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp của thành viên công ty và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Rút kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp của thành viên công ty và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

(kiemsat.vn) Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với...
Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền

Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền

Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch do người đại diện theo ủy quyền thực hiện nhân danh người ủy quyền. Trên thực tế, việc...
Nhiều người dân nguy cơ mất tiền vì góp vốn đầu tư lợi nhuận cao

Nhiều người dân nguy cơ mất tiền vì góp vốn đầu tư lợi nhuận cao

GIA ÂN - Nhiều người dân đang khốn đốn vì đã góp vốn cho ông Đỗ Quốc Huy (SN 2001), để đầu tư dự án bất động sản và quỹ tài ở nước ngoài với lợi nhuận cao, nhưng không được thực hiện như cam kết.

Thống kê truy cập

Online: 1
Tổng Lượt: 3.586.696

ĐỐI TÁC

0903.14.8668