LUẬT PHÚ QUÝ

HOTLINE

TP. HÀ NỘI : 0903.14.8668
TP. HỒ CHÍ MINH : 0903.14.8668

Quyền khởi kiện lại vụ án sau khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do đương sự không nộp tạm ứng phí định giá tài sản và tố tụng

  • Ngày đăng: 01/10/2021
  • Cập nhật: 01/10/2021
  • 4160

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác. Đây là quyền cơ bản của công dân và một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS). Tuy nhiên, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền này như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều bởi các quy định khác của BLTTDS và cách nhận thức, áp dụng trong thực tế của những người tiến hành tố tụng.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác(1). Đây là quyền cơ bản của công dân và một trong những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Tuy nhiên, việc cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền này như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều bởi các quy định khác của BLTTDS và cách nhận thức, áp dụng trong thực tế của những người tiến hành tố tụng. Trong những trường hợp phức tạp như khởi kiện lại vụ án sau khi có quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác, việc đương sự được hưởng quyền này thật sự khó khăn và có nhiều quan điểm, cách xử lý trái chiều. Cá biệt, có những vụ việc (2) đã qua ba lần giải quyết tại các cấp Tòa khác nhau đều cho những kết quả khác nhau.

Như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu, phân tích các quy định của pháp luật về quyền khởi kiện, trong đó có quyền khởi kiện lại vụ án sau khi có quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác là vấn đề cấp thiết, không chỉ về mặt lý luận mà còn đảm bảo quyền công dân, các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

1. Quy định của pháp luật

Theo quy định tại Điều 218 BLTTDS năm 2015 về hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/05/2017 của HĐTP TANDTC hướng dẫn về nội dung trên như sau:

"... 3. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật" quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 là các trường hợp trong BLTTDS năm 2015 chưa quy định nhưng đã được quy định trong Nghị quyết này, các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

"Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật" quy định trong Nghị quyết này là:

a) Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017, Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do "thời hiệu khởi kiện đã hết" nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 và điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Đối với những vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản mà trước ngày 01/01/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

b) Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/1/2017 Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện chia tài sản chung, nhưng theo quy định tại khoản 1 Điều 623, điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thời hiệu khởi kiện vụ án chia thừa kế đối với di sản thừa kế đó vẫn còn, thì người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 và điểm d khoản 3 Điều 192 BLTTDS năm 2015 và Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Đối với những vụ án dân sự chia tài sản chung là di sản thừa kế đã hết thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà trước ngày 01/1/2017 đã được Tòa án giải quyết bằng bản án, quyết định (trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì thời hiệu khởi kiện đã hết) đã có hiệu lực pháp luật thì theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015, người khởi kiện không có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án đó;

c) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị quyết này".

Hiện nay, ngoài BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, chúng ta chưa tìm thấy quy định về việc khởi kiện lại trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nghiên cứu các quy định của BLTTDS năm 2015 và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP, chúng ta không thấy có nội dung nào thật sự quy định rõ ràng về việc đương sự được quyền khởi kiện lại trong trường hợp đã bị đình chỉ do không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác.

Tại Quyết định số 14/2019/QĐ-PT ngày 10/10/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết việc kháng cáo đối với quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án, chúng tôi thấy rằng TAND cấp cao tại Hà Nội đã căn cứ vào chính các quy định trên để quyết định cho đương sự quyền khởi kiện lại. Tuy nhiên, quyết định trên vẫn chưa giải thích rõ ràng.

Ngày 02/8/2021, TANDTC đã ban hành Giải đáp số 02/TANDTC-PC giải đáp một số vướng mắc trong xét xử. Theo đó, TANDTC giải đáp về quyền khởi kiện lại trong trường hợp này như sau:

“Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của BLTTDS thì:

“Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

...đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này...”.

Khoản 1 Điều 218 của BLTTDS quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do: "Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác" thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện".

2. Một số bất cập

Chúng tôi cho rằng, cách quy định của luật và giải đáp của TANDTC về nội dung này chưa thuyết phục.

Thứ nhất, cần phải làm rõ nội hàm của quy định “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.

Chúng tôi đồng ý và cho rằng khái niệm “sự việc” được quy định trong điểm khoản trên phải được hiểu là vấn đề pháp lý, quan hệ pháp luật có tranh chấp mà Tòa án phải phán quyết (3) bằng bản án hoặc quyết định, trong đó xác định rõ yêu cầu của đương sự được chấp nhận hay không chấp nhận, chấp nhận toàn bộ hay một phần, hay công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Chỉ trong trường hợp này, sự việc mới được coi là đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đương sự nếu không đồng ý với quyết định của Tòa án thì cũng không được khởi kiện vụ án mới mà chỉ được kháng cáo hoặc đề nghị nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 331 của BLTTDS  để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thứ hai, khi so sánh với trường hợp vụ án bị đình chỉ vì lý do lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt, chúng tôi thấy rằng, luật (4) ấn định trường hợp này được coi là nguyên đơn từ bỏ quyền khởi kiện, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án nhưng nguyên đơn được quyền khởi kiện lại. Vậy, đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá, thẩm định tài sản và chi phí tố tụng khác có được coi là từ bỏ quyền khởi kiện không?.

Hay khi so sánh với trường hợp vụ án bị đình chỉ do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì nó có gì khác biệt. Chúng tôi, trên cơ sở phân tích một số đặc trưng giữa các trường hợp trên, đã cố gắng giải thích xem điều gì khác biệt giữa những trường hợp này để dẫn đến những hậu quả pháp ly khác nhau. Kết quả của việc này được mô tả ở bảng dưới đây:

Trường hợp / Đặc trưng

Đương sự không nộp tạm ứng chi phí định giá, thẩm định tài sản và chi phí tố tụng khác

Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện

Đương sự được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt

Giai đoạn vụ án bị đình chỉ

Chuẩn bị xét xử

Có thể ở giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc giai đoạn xét xử

Xét xử

Công việc thẩm phán đã thực hiện cho đến lúc đình chỉ

Một phần các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Một phần hoặc toàn bộ các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

Đã thực hiện xong toàn bộ các công việc trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, chuẩn bị ra phán quyết.

Công việc thẩm phán phải thực hiện nếu đương sự được quyền khởi kiện lại

Toàn bộ công việc như thụ lý một vụ án mới

Toàn bộ công việc như thụ lý một vụ án mới

Toàn bộ công việc như thụ lý một vụ án mới

Yêu cầu của đương sự đã được Tòa án phán quyết.

Chưa

Chưa

Chưa

Hậu quả của việc đình chỉ vụ án

Không được khởi kiện lại

Được khởi kiện lại

Được khởi kiện lại

       

Thật khó để tìm ra sự khác biệt giữa các trường hợp được nêu để dẫn đến quyết định hậu quả pháp lý khác nhau đối với từng trường hợp. Như vậy, có vẻ chúng ta đang không xử lý các vấn đề tương tự nhau dựa trên cùng một giá trị, tư tưởng pháp lý như nhau, việc luật quy định như vậy cùng với cách giải thích luật chỉ dựa trên câu chữ sẽ rất dễ lúng túng.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Giải đáp do TANDTC ban hành đã nhiều lần được đưa ra xem xét, theo Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2014 thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (5) do ngành Tòa án ban hành gồm: Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Thông tư của Chánh án TAND tối cao; thông tư liên tịch giữa Chánh án TAND tối cao với Viện trưởng VKSNDTC; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSNDTC. Chiếu với quy định trên, các giải đáp do TANDTC chỉ mang tính chất tham khảo.

Chính vì vậy, chúng tôi đề xuất, TANDTC nên hướng dẫn cụ thể về nội dung đang được thảo luận trong một Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán, ở đó có hướng dẫn về khái niệm “sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tại điểm c khoản 1 Điều 192 như đã được phân tích trong bài và ghi nhận đương sự có quyền khởi kiện lại trong vụ án đã bị đình chỉ do không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác.

Trong thời gian chưa được TANDTC hướng dẫn bằng Nghị quyết, chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng tương tự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 227 BLTTDS năm 2015 cho trường hợp đang được thảo luận. Trường hợp được tham gia vụ án từ đầu, các luật sư cũng có thể hướng dẫn khách hàng rút đơn khởi kiện nếu chưa kịp chuẩn bị các chi phí tố tụng để tránh các hậu quả pháp lý bất lợi sau này.

(1) Khoản 1 Điều 4 BLTTDS năm 2015 về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

(2) Vụ việc xảy ra tại tỉnh Phú Thọ, sau khi nguyên đơn khởi kiện lần thứ nhất nhưng không nộp tạm ứng chi phí định giá đã bị Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng đình chỉ. Sau khi khởi kiện lại, TAND tỉnh Phú Thọ đã căn cứ quy định tại Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án. Nguyên đơn kháng cáo và TANDCC tại Hà Nội đồng ý cho khởi kiện lại. Xem thêm tại Quyết định số 14/2019/QĐ-PT ngày 10/10/2019 của TAND cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết việc kháng cáo đối với quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án.

  (3) https://congly.vn/mot-so-van-de-nghiep-vu-tu-cac-phien-toa-cua-hoi-dong-tham-phan-143147.html

  (4) Điểm a khoản 2 Điều 218 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

 (5) Điều 4 Hệ thống văn bản quy pháp pháp luật, Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2014

Luật sư TRẦN MINH TUẤN 

Công ty Luật TNHH MTV Luật Phú Quý

Nguồn: Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam

LS. Quang

0903.14.8668

Văn phòng

0368.14.8668

Zalo

0903.14.8668

Email

luatphuquy@gmail.com

Tin tức nổi bật

Một số vấn đề pháp lý về đặt cọc

Một số vấn đề pháp lý về đặt cọc

Với ưu điểm là dễ dàng thực hiện, vừa có thể bảo đảm cho việc giao kết, vừa bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc cả hai, biện pháp đặt cọc được sử dụng phổ biến trong các giao dịch dân sự hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn xét...
Rút kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp của thành viên công ty và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

Rút kinh nghiệm từ vụ án tranh chấp của thành viên công ty và yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

(kiemsat.vn) Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục phúc thẩm, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp giữa thành viên công ty với...
Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền

Một số vấn đề về công chứng hợp đồng ủy quyền

Việc lập và công chứng hợp đồng ủy quyền được coi là căn cứ pháp lý và là chứng cứ xác thực, tin cậy cho việc thực hiện các giao dịch do người đại diện theo ủy quyền thực hiện nhân danh người ủy quyền. Trên thực tế, việc...
Nhiều người dân nguy cơ mất tiền vì góp vốn đầu tư lợi nhuận cao

Nhiều người dân nguy cơ mất tiền vì góp vốn đầu tư lợi nhuận cao

GIA ÂN - Nhiều người dân đang khốn đốn vì đã góp vốn cho ông Đỗ Quốc Huy (SN 2001), để đầu tư dự án bất động sản và quỹ tài ở nước ngoài với lợi nhuận cao, nhưng không được thực hiện như cam kết.
Bắt giữ người, đánh đập, chặt ngón tay để đòi nợ

Bắt giữ người, đánh đập, chặt ngón tay để đòi nợ

 Do không được trả tiền thi công công trình, các bị cáo đã bắt giữ, đánh đập và chặt ngón tay của người thuê để đòi nợ.

Thống kê truy cập

Online: 1
Tổng Lượt: 3.585.976

ĐỐI TÁC

0903.14.8668